Bật mí cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, hợp lý cho người mới
Biết cách quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng vô cùng quan trọng, không chỉ mang đến sự an tâm về tài chính mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân và tài chính trong tương lai. Tham khảo ngay các bí quyết quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, hợp lý cho người mới trong bài viết dưới đây.
Tại Việt Nam, hiện vẫn có nhiều người trẻ mơ hồ về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân này. Hậu quả là không ít người thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền bạc cuối tháng và phải vay mượn để bù đắp chi tiêu. Chính vì vậy, chúng ta cần biết cách quản lý tài chính cá nhân để hướng đến việc tự do tài chính sớm nhất có thể.
1. Tư duy quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, hợp lý
1.1. Thay đổi suy nghĩ về tiền
Con người có những cảm xúc phức tạp về tiền như: áp lực trước việc kiếm tiền hàng ngày, cảnh giác trước sự tham lam, cảm thấy thù ghét các yếu tố vật chất và đề cao giá trị tinh thần …
Do đó trước tiên, bạn phải giữ tâm thế chủ động khi sử dụng tiền. Hãy tin rằng, bạn có thể kiểm soát và sử dụng đồng tiền để phục vụ nhu cầu và mang lại niềm vui cho bản thân.
1.2. Trao đổi rõ ràng về tài chính
Trao đổi rõ ràng về tài chính là cách quản lý tài chính cá nhân thông minh và giúp mọi người thấu hiểu, hợp tác với nhau tốt hơn, đặc biệt trong mối quan hệ vợ – chồng, bố mẹ – con cái. Tuy nhiên khi trao đổi, chúng ta nên nói đến những chủ đề tổng quát trước khi nhắc đến các con số.
1.3. Quản lý tiền và chi tiêu trong khả năng cho phép
Để chi tiêu trong khả năng cho phép, bạn hãy mặc định trong suy nghĩ rằng khả năng của mình thấp hơn khả năng thực tế một chút rồi thay đổi lối sống cho phù hợp với định mức đó. Sống dưới mức khả năng nghĩa là bạn sẽ lựa chọn những món đồ phù hợp với nhu cầu chứ không phải chỉ để thỏa mãn bản thân, chẳng hạn như một chiếc xe đã qua sử dụng, một ngôi nhà nhỏ hơn, và quần áo từ các kệ bán hàng giảm giá….
1.4. Học cách thiết lập ngân sách
Chellie Campbell – chuyên gia giải quyết các rối loạn về tiền, tác giả cuốn sách From Worry to Wealthy – gợi ý về 3 mức ngân sách “ thấp, trung bình và cao” như sau:
- Ngân sách thấp là khi bạn làm ra ít tiền hơn hoặc cần tiết kiệm cho một điều gì đó đặc biệt, ví dụ như khoản thanh toán cho một ngôi nhà hay một chiếc xe.
- Ngân sách trung bình là khoản tiền bạn đang làm ra và sử dụng nó cho những sinh hoạt điều độ hàng tháng.
- Ngân sách cao là khi bạn sắp có các khoản tiền mới.
Từ đó, bạn sẽ quyết định thiết lập ở mức nào vào đầu mỗi tháng. Việc lựa chọn mức ngân sách sẽ quyết định mức chi tiêu của bạn trong tháng đó.
1.5. Đặt mục tiêu tiết kiệm thông minh
Bạn không nên tiết kiệm theo kiểu “tiết kiệm càng nhiều càng tốt” mà nên đặt mục tiêu tài chính trong bối cảnh cụ thể để biết chính xác bạn cần tiết kiệm bao nhiêu và bao lâu thì đạt được mức tiết kiệm đó. Việc xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn có động lực thực hiện tốt hơn. Sau đó từ một mục tiêu ban đầu, hãy xây dựng các kế hoạch nhỏ hơn xung quanh nó.
1.6. Luôn rà soát chi tiêu
Bạn hãy luôn rà soát các khoản chi tiêu của mình hàng ngày, hàng tháng và hàng năm như học phí, tiền chợ, mua sắm quần áo,… rồi chia thành 2 loại cơ bản: cắt giảm được và không thể cắt giảm.
Ví dụ: Những khoản quan trọng và thường xuyên chiếm phần lớn chi tiêu của gia đình như: học phí không thể cắt giảm. Thay vào đó bạn có thể cắt giảm các khoản ít quan trọng như: mua sắm quần áo, xem phim, cà phê,…
1.7. Cố gắng thoát khỏi “vòng xoáy” nợ nần
Nhiều bạn trẻ ngày nay thường có thói quen tiêu tiền xả láng khi mới nhận lương, dẫn đến tình trạng hết tiền từ giữa tháng và phải vay mượn để “duy trì cuộc sống” ở nửa tháng sau. Nếu bạn cũng đang ở vòng xoáy nợ nần này, hãy trả hết nợ hiện tại và tránh việc mượn thêm nợ ở tháng sau. Đồng thời, hãy rà soát và thắt chặt chi tiêu, tránh việc mua sắm những món đồ không thật sự cần thiết.
1.8. Gia tăng thu nhập bằng nhiều nguồn
Sự tự do tài chính của các doanh nhân không chỉ nằm ở bí quyết quản lý tài chính hiệu quả mà còn nằm ở sự đa dạng kênh thu nhập của họ. Đây chính là bước giúp bạn có thể hướng đến sự tự do về tài chính. Nếu bạn có thời gian rảnh rỗi sau giờ hành chính, bạn có thể nhận thêm nhiều công việc như viết nội dung thuê, quản lý fanpage, kinh doanh nhỏ,… hoặc tìm hiểu về các cơ hội đầu tư lâu dài để đa dạng nguồn thu nhập.
2. Một số quy tắc áp dụng khi quản lý tài chính cá nhân
Để quản lý tài chính cá nhân mình hiệu quả hơn, bạn nên áp dụng thêm một số quy tắc sau đây cho bản thân:
2.1 Quy tắc 50 – 30 – 20
Đây được xem là cách quy tắc quản lý dòng tiền cá nhân cơ bản, đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả và đã được nhiều người áp dụng. Bạn chỉ cần chia thu nhập của mình thành 3 khoản như sau:
- 50% thu nhập cho các chi phí sinh hoạt cực cần thiết như: nhà ở, thực phẩm, đi lại.
- 30% thu nhập dành cho các chi phí linh hoạt như: giải trí, hiếu hỉ,… (có thể cắt giảm, nếu cần).
- 20% thu nhập để trả nợ/tiết kiệm (có thể chia phần thành nhiều khoản ứng với từng mục tiêu).
2.2 Quy tắc 6 cái lọ
Quy tắc này được tạo ra bởi tác giả Harv Eker, tác giả của cuốn sách tài chính nổi tiếng như “Bí mật tư duy triệu phú” và “Làm giàu nhanh”… Với quy tắc này, thu nhập của bạn sẽ được chia thành nhiều khoản chi tiết:
- Lọ 1 – Chi tiêu thiết yếu (55% thu nhập) cung cấp cho các hoạt động sinh hoạt như ăn uống, tiền nhà, hóa đơn điện nước…
- Lọ 2 – Tiết kiệm dài hạn (10% thu nhập) phục vụ cho những mục tiêu dài hạn cho cuộc sống như mua nhà, mua xe, cưới, sinh, kinh doanh…
- Lọ 3 – Quỹ giáo dục (10% thu nhập) dành để tham gia các khóa học hoặc chứng chỉ, kỹ năng, workshop… để trau dồi chuyên môn, tăng cơ hội thăng tiến trong công việc.
- Lọ 4 – Hưởng thụ (10% thu nhập) để tự thưởng cho bản thân bạn sau khi đã nỗ lực làm việc và tiết kiệm hiệu quả.
- Lọ 5 – Quỹ đầu tư tài chính (10% thu nhập) dành để đầu tư, gửi tiết kiệm, góp vốn kinh doanh… nhằm sinh lời, tạo nên thu nhập thụ động.
- Lọ 6 – Quỹ từ thiện (5% thu nhập) sẽ dùng để giúp đỡ những người thân, bạn bè hoặc cho các quỹ vì cộng đồng.
Nên quản lý tài chính cá nhân ở đâu?
Tùy theo nhu cầu và sở thích, bạn có thể sử dụng các công cụ như sổ, excel, ứng dụng (app) quản lý tài chính trên điện thoại,… để quản lý tài chính cá nhân. Trong đó, các ứng dụng là cách quản lý dòng tiền cá nhân được nhiều người yêu thích hơn bởi có thể dễ dàng cập nhật cũng như theo dõi tình trạng tài chính mới nhất của mình tiện lợi, nhanh chóng và có thể cập nhật được ở bất kỳ đâu.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có góc nhìn chuẩn xác hơn về tiền cũng như nắm được cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN 24H GROUP
Trụ sở: Số 5 ngõ 178 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội
VPGD: Số 43 ngõ 68 Trung Kính, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội
MST: 0105397200
Hotline: 0911 663 999 – Tổng đài: 18006024
Facebook: https://www.facebook.com/24hCompany
Email: info@24hgroup.com.vn
Tin tức liên quan
Văn hóa doanh nghiệp